Tuesday, November 28, 2017

Mô hình trồng rau hữu cơ ở Sóc Sơn, Hà Nội

Nhằm đáp ứng nhu câu rau sạch của thủ đô, trên địa bàn thành phố xuất hiệu ngày càng nhiều mô hình trồng rau hữu cơ sạch,  hôm nay chúng tôi giới thiệu mô hình trồng rau sạch của hợp tác xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Bà con xã viên tích cực tham gia sản xuất, cho thu nhập ổn định
Tại xã Thanh Xuân, sau 9 năm thực hiện mô hình sản xuất rau theo phương pháp hữu cơ, toàn xã đã có 9 hecta rau sạch cung cấp ra thị trường Hà Nội từ 700-800 tấn rau mỗi năm
Đây là hiệu quả từ đề án “Trồng rau hữu cơ giúp xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường” do Đan Mạch hỗ trợ. Mô hình này mang lại nguồn sinh kế ổn định, bền vững cho nông dân. Trước đây, toàn xã mới thành lập nhóm sản xuất rau hữu cơ an toàn, với sự tham gia của 11 thành viên trên diện tích 8.000m2, đến nay danh sách nhóm đã tăng lên 25 thành viên. Diện tích canh tác rau cũng được mở rộng, mỗi tháng đưa ra thị trường Hà Nội từ 40 - 60 tấn, với hơn 40 chủng loại rau, củ các loại.
Mô hình đảm bảo SX rau sạch và an toàn cho người sử dụng. Rau được trồng theo các bước: Chọn vùng sản xuất, tạo vùng đệm cách ly, làm phân ủ nóng, chuẩn bị đất, trồng và chăm sóc, quản lý dịch hại, thu hoạch và sơ chế, truy xuất nguồn gốc...
Bà con chăm sóc rau và tuân thủ nghiêm quy trình trồng rau sạch hữu cơ
Theo bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân, mô hình sản xuất rau hữu cơ đã tạo vùng chuyên canh, cải thiện môi trường đất, nước, đặc biệt là môi trường làm việc của chính người nông dân. Từ năm 2008 - 2015 có trên 500 đoàn đã đến xã tham quan, tìm hiểu mô hình này.
Nói về hiệu quả của mô hình, bà Hậu nhấn mạnh: “Đây là mô hình rau hữu cơ đầu tiên ở Hà Nội. Nhờ đó thu nhập của người nông dân tăng lên, nhiều hộ thoát nghèo. Trừ chi phí mỗi gia đình thu lãi 5 - 6 triệu đồng/tháng. Hiện nhu cầu về rau sạch của người tiêu dùng rất lớn, song chúng tôi chỉ đáp ứng 1/4 đơn hàng”.
Bà Nguyễn Thị Minh Dung tham gia mô hình chia sẻ: 
“Nếu tính về thu nhập thì trồng rau hữu cơ gấp từ 8 - 12 lần so với trồng lúa. Kinh tế gia đình tôi ổn định là nhờ rau hữu cơ. Ở nông thôn trồng rau thu lãi 4 - 5 triệu đồng/tháng là khá tốt...”.
Hiện rau hữu cơ Thanh Xuân đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể và ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường. Năm 2008 chỉ có 1 công ty ký kết thu mua, đến nay đã có 30 công ty và 2 HTX tìm đến mua hàng, 100 cửa hàng bán sản phẩm rau hữu cơ Thanh Xuân trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng. Sản phẩm rau hữu cơ Thanh Xuân đã được xuất sang Pháp, Đức với sản phẩm rau gia vị và bí xanh.

Bà Hậu chia sẻ thêm, trong quá trình sản xuất rau hữu cơ, nông dân không sử dụng bất kỳ loại chế phẩm hóa học nào. Để phòng trừ sâu bệnh gây hại, bà con dùng tỏi, gừng giã nhuyễn trộn với rượu phun lên rau hoặc dùng phương pháp dẫn dụ thủ công. Người trồng chỉ bón duy nhất loại phân hữu cơ đã được ủ hoai mục trước đó 3 tháng. Sau khi bón phân, đúng thời gian cho phép, mới được thu hoạch. Toàn bộ nước tưới đều được xét nghiệm bảo đảm đủ tiêu chuẩn, không bị nhiễm hóa chất độc hại và kim loại nặng.

0 comments:

Post a Comment